Có những lúc bà muốn buông xuôi, muốn tự giải thoát cho mình nhưng nghĩ tới người chồng và 2 đứa con tâm thần nên không nỡ. Chết, có thể bà sẽ không phải cực khổ, đau đớn thế này nhưng 3 con người ngơ ngác ấy biết bấu víu vào đâu mà sống?
Giữa trưa nắng, cách duy nhất để bà Nhung hạn chế người con trai độc nhất lên cơn điên là dùng khăn mát lau người liên tục cho Long.
Hơi nước từ sông Lam không đủ sức vượt qua triền đê để thổi vào nhà nên căn nhà nhỏ nóng hầm hập như hầm lò. Trên chiếc phản cũ kỹ kê ở góc nhà, Ngô Xuân Long (SN 1985) nằm trần truồng, phía trước là chiếc quạt và chậu nước để làm mát. Chốc chốc, bà Võ Thị Nhung lại chạy vào dùng khăn thấm nước lau mình cho đứa con trai đã gần 30 tuổi đầu nhưng chỉ biết ăn nằm, đại, tiểu tiện một chỗ.
Sau giếng, ông Ngô Xuân Thung (SN 1949), chồng bà cũng đang dội nước ào ào lên người, miệng không thôi lảm nhảm chửi bọn biệt kích thám báo mà địch trà trộn vào đây. "Từ hồi đi bộ đội về, được mấy năm ông ấy sinh ra như thế. Ông ấy cứ đinh ninh tôi là biệt kích thám báo mà địch trà trộn vào để phá hoại cuộc chiến đấu của đơn vị. Lắm lúc, cơn điên nổi lên, ông vác dao đuổi tôi chạy trối chết. Trên đầu tôi vẫn còn vết sẹo khâu 7 mũi chỉ đây", bà Nhung kể.
Nói rồi bà tất tả chạy ra góc vườn kéo cô con gái Ngô Thị Mai (SN 1981) đang ngồi trú nắng ngoài đó. Thấy mẹ ra, cô gái hơn 30 tuổi ù té chạy một mạch vào nhà, mang luôn cả đôi dép lên giường rồi cười hềnh hệch. Sửa lại bộ quần áo của con cho ngay ngắn, bà Nhung kể về những cơ cực của cuộc đời mình.
Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 1978, khi ông Thung xuất ngũ chuyển ngành làm công nhân quốc phòng. Năm 1981, Ngô Thị Mai ra đời. Được 1 năm sau thì ông Thung bắt đầu có triệu chứng đau đầu dữ dội rồi phát bệnh thần kinh. Một tay nuôi con nhỏ, một tay bà Nhung đưa chồng đi chữa bệnh. Bệnh tình ông Thung thuyên giảm, bà lại đưa chồng về nhà. Rồi thằng Long ra đời. Cứ tưởng cuộc sống của bà từ đây sẽ đỡ vất vả nhưng tai họa lại liên tiếp giáng xuống gia đình bé nhỏ này.
... hay nơm nớp canh chừng cô con gái tâm thần bỏ nhà ra vườn ngồi tránh nắng.
Khi cái Mai được gần 10 tuổi thì cũng bắt đầu phát bệnh giống bố. Một năm sau đến lượt Long ngã bệnh tâm thần. Lúc này, bệnh tình ông Thung cũng bắt đầu trở nặng khi bà Nhung mang thai người con gái thứ 3 Ngô Thị Phương. Một người phụ nữ vừa sinh con nhỏ, vừa chăm 3 người tâm thần thật không dễ dàng gì.
"Cứ mỗi khi lên cơn, ông Thung với thằng Long cứ đập phá hết đồ đạc trong nhà. Hoặc có khi đang đêm, hai bố con trở dậy la hét rồi vác dao, gậy đuổi tôi chạy trối chết. Một tay tôi ôm con Phương, hai mẹ con trèo lên chạn chuồng bò để trốn. Có khi phải sang đập cửa nhà hàng xóm để xin trú nhờ hoặc hai mẹ con dắt díu nhau lên đê ngồi cho đến sáng", bà Nhung kể tiếp.
Những lần không chạy kịp, bà hứng trọn những trận mưa gậy hay nhát dao của chồng đang "đánh bọn biệt kích thám báo". May mắn thay, vết chém toạc đầu nhưng bà vẫn giữ được mạng sống.
Càng lớn, bệnh tình của Long và Mai càng nặng. Cứ sơ sểnh là hai đứa bỏ nhà đi lang thang, có khi đến gần cả tháng trời khiến bà Nhung phải nhờ làng xóm đi tìm. Cứ tìm về được vài bữa, hai chị em lại đi. Cực chẳng đã, bà Nhung đành nhờ chính quyền xã xích Long lại bên cửa sổ. Suốt 5 năm ròng rã bị xích đến nay chân của Long đã bị teo hẳn, mất cả năng vận động, đi lại. 30 tuổi, Long chỉ có thể nằm ngửa ra sàn nhà, mọi việc từ ăn ở, vệ sinh đều một tay bà Nhung lo liệu.
Mai thì khá hơn em một tý là có thể tự đi lại nhưng những ngày nắng nóng cô chẳng mấy khi ở trong nhà. Mặt trời lên, Mai lại ra vườn, ngồi thu lu dưới gốc cây và nói chuyện một mình. Mẹ ra kéo vào nhà, nếu không ưng Mai đánh luôn cả mẹ. Chỉ khi nào bà Nhung đưa roi ra dọa, Mai mới chịu đứng lên chạy vụt vào nhà, leo lên giường trùm kín chăn lại bất kể nắng nóng.
Sống với nhau gần 40 năm thì đến hơn 30 năm ông Thung không nhận ra vợ mình mà luôn nghĩ là bọn biệt kích thám báo cài vào nên không hiếm khi ông cầm dao đuổi chém vợ khiến bà Nhung chạy trối chết.
"Hồi trước, nghĩ là nếu cố gắng chạy chữa, biết đâu bệnh tình của hai chị em nó sẽ thuyên giảm nên tôi bán hết đồ đạc, nhà cửa để chữa bệnh cho con. Tài sản hết, nhà mất, bệnh tình của các con càng thêm nặng. May ông bà ngoại để lại cho gian nhà này 4 cha con mẹ con mới có chỗ mà chui ra chui vào", bà Nhung thở dài.
3-4 năm nay, ông Thung không còn ở trong nhà nữa. Căn bệnh thần kinh hoang tưởng của ông ngày càng trầm trọng. Không chỉ nghĩ vợ là biệt kích thám báo mà ông cho răng nền nhà đã bị "địch" rải dây điện để giật chết ông. Bởi vậy, chỗ trú ngụ của ông là trên chạn chuồng bò, chỉ khi nào cần tắm hay đói, khát ông mới lò dò đi xuống, miệng không thôi lảm nhảm chửi "quân biệt kích".
3 con người khốn khổ ấy chỉ có thể sống dựa vào tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học. Mỗi tháng tầm 1,5 triệu, bà Nhung phải liệu vào đó mà chi tiêu, vừa ăn uống, vừa thuốc thang cho chồng con. "Trời mát thì 3 cha con mới chịu ăn cơm chứ nắng nôi như thế này thì nhất quyết không động vào bát cơm mô cô ạ. Chỉ uống đôi ngụm sữa tươi hay nước ngọt qua ngày thôi. Tôi giờ già rồi, ruộng đồng có làm được nữa đâu. Trước làm 3-4 sào, cũng gọi là đủ gạo ăn quanh năm. Nay còn có 1 sào ruộng nữa, thuê mướn người ta nên cũng chỉ đủ gạo ăn nửa năm, nửa năm còn lại phải ăn phạm vào chế độ của 3 cha con", bà Nhung vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.
Người đàn bà này đã nhiều lần muốn chết, muốn buông xuôi nhưng nghĩ tới chồng con không ai chăm sóc nên không nỡ chết.
Điều an ủi nhất của bà lúc này là cô con gái út phát triển bình thường. Lo cho con học hết cấp 3, bà đành đồng ý cho Phương vào Đồng Nai làm công nhân. Làm công nhân trong thời buổi gạo châu củi quế này đâu phải đơn giản. Tằn tiền lắm, thi thoảng Phương mới gửi về cho mẹ được ít đồng để phụ thêm chăm lo cho bố và anh chị. "Nhà có tới 3 người bị tâm thần, không biết có ai đủ can đảm mà chịu lấy nó không?", bà Nhung thở dài.
Khẽ nâng tay áo lên quệt dòng nước mắt đang chực chảy ra, bà Nhung nói tiếp: "Đã có những khi tôi thấy bất lực, cơ cực quá. Ông trời răng nỡ đày đọa chồng con tôi sống không bằng chết thế này? Nhiều khi tôi thấy bất lực, muốn chết, muốn tự giải thoát cho mình khỏi cái kiếp nạn này nhưng nghĩ đến 2 đứa con, đến người chồng khốn khổ lại không nỡ. Mình chết thì dễ, còn con mình, chồng mình ai lo.
Nếu tôi chết cho sướng cái thân mình thì chẳng phải là thất đức với chồng con lắm sao? Nghĩ tới nghĩ lui, thương thân khóc phận mãi rồi cũng phải cố gắng mà sống, vì chồng, vì con. Tôi chỉ sợ mai mốt mình chết đi, ai chăm lo cho 3 cha con ông ấy. Từng ni cái tuổi rồi, tôi chỉ mong trời thương mà cho cái sức khỏe để cho chồng con còn có chỗ nương tựa".
Trao đổi với Phóng viên Dân trí về hoàn cảnh gia đình bà Võ Thị Nhung, ông Hoàng Văn Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Xá cho biết: "Hoàn cảnh gia đình bà Nhung là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Bản thân bà Nhung phải chăm sóc, nuôi nấng 3 người bị tâm thần, gồm chồng và 2 người con. Hiện tại, ông Thung, cháu Mai và cháu Long đang được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học nhưng nói thật với chị, số tiền đó so với mức chi tiêu thuốc thang sinh hoạt của 4 con người thì chỉ như muối bỏ bể thôi.
Là hộ gia đình chính sách nên xã cũng ưu tiên trong các dịp lễ, Tết hay các ngày lễ kỷ niệm. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng vận động các tổ chức, đoàn thể quyên góp ủng hộ gia đình nhưng chỉ được một phần nhỏ, không thấm vào đâu cả".
Nắng vẫn chói chang như rót lửa vào nhà. 3 con người ngơ ngẩn vẫn lảm nhảm với những câu chuyện của riêng mình. Sống giữa những người thân yêu nhưng bao nhiêu năm nay bà Nhung vẫn câm lặng làm tròn bổn phận của một người vợ, một người mẹ. Bao nhiêu năm nay, bà cũng không biết nói chuyện với ai để cho vơi hết khổ cực của một kiếp người…
Nguồn : http://24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét