"Có 2,5 triệu trong số 7 triệu trẻ em hiện bị suy dinh dưỡng mãn tính. Như vậy, 30% người Việt mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng. Kính mong Quốc hội quan tâm hơn lớp hậu duệ - tương lai của đất nước", đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Chặn vi phạm y đức trước khi bắt buộc mua bảo hiểm!
Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) tán thành quan điểm áp dụng bảo hiểm y tế bắt buộc với toàn dân, cũng ủng hộ quy định bổ sung về việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản chi trả cho những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe phù hợp với khả năng chi trả bảo hiểm. Đây là hướng mới, quan trọng và cần thiết để tạo sự hấp dẫn người mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, quy định bảo hiểm y tế bắt buộc và gói dịch vụ y tế cơ bản chưa đủ, chưa đảm bảo đối với người có điều kiện kinh tế phát triển muốn tiếp cận với dịch vụ y tế cao hơn. Vì vậy bảo hiểm y tế bắt buộc phải song hành với bảo hiểm y tế bổ sung để chi trả dịch vụ theo yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) chỉ rõ bất cập, việc mua bảo hiểm hiện tại dựa trên cơ sở tự nguyện nhưng thực hiện lại theo cách bắt buộc như đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, khám chữa bệnh ở những bệnh viện bắt buộc, uống những loại thuốc bắt buộc là không hợp lý. Trong cùng một bệnh viện khi cùng một loại bệnh thì người đóng bảo hiểm y tế chỉ được dùng thuốc có quy định của bảo hiểm y tế, còn bệnh nhân khác thì bệnh viện cho uống loại thuốc khác.
Bà Hạnh cho rằng, cần giải quyết vấn đề bất cập về chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo tính công bằng của các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bằng cách chấp nhận bỏ quy định về tuyến khám chữa bệnh thì mới triển khai được bảo hiểm y tế toàn dân. Phải khắc phục được tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, chênh lệch chất lượng lớn giữa tuyến trên với tuyến cơ sở trước khi bắt buộc mọi người dân mua bảo hiểm y tế.
"Chúng ta cứ bắt buộc người dân trong khi chúng ta không phải bị bắt buộc điều gì thì có hợp lý? Khi chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu thì không ai muốn vượt tuyến, trái tuyến làm gì. Để đảm bảo tính khả thi của luật, phải ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng vi phạm y đức", nữ đại biểu khuyến cáo.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh lập luận, sửa đổi mức chi trả cho bệnh nhân vượt trái tuyến từ ở mức 30%, 50%, 70% cả nội ngoại trú xuống 20%, 50% và 70% không hợp lý, lý do đưa ra chưa thuyết phục.
Theo đại biểu, nếu vì lý do các bệnh viện ở Việt Nam chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế thì việc người bệnh đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến là đương nhiên, sao lại đặt vấn đề hạn chế hiện tượng bằng cách giảm tỷ lệ chi trả bảo hiểm.
Bà Hạnh nói rõ: "Nếu nhìn nhận vào thực tế, chẳng mấy ai muốn khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, nhìn vào nỗi trần ai người dân phải chịu đựng khi khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên bị quá tải, chúng ta phải xác định rằng trách nhiệm hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên phần lớn phải thuộc về cơ quan chức năng. Tôi thấy rằng chúng ta phải nhìn thẳng vào các bất cập trên, đó chính là các rào cản để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân".
Cùng hướng phân tích này, đại biểu Nhiệm phân tích, hiện tượng người dân vượt tuyến hiện nay có yếu tố khách quan, cấp bách khi thực tế cơ sở khám chữa bệnh ban đầu trình độ chuyên môn yếu, chậm trễ trong điều trị, nhất là với người mắc bệnh hiểm nghèo. Có những bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên khi bệnh đã quá nặng. Vì vậy, đại biểu đề nghị nâng mức thanh toán khám chữa bệnh vượt tuyến từ 20% lên 30% để tránh thiệt thòi cho người bệnh, đồng thời thúc đẩy cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới hoạt động được tốt hơn.
Thu nhập cải thiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng lại tăng cao?
Một khía cạnh khác được nhiều đại biểu cùng quan tâm đề cập là trách nhiệm tham gia phòng chống suy dinh dưỡng trong cộng đồng của bảo hiểm y tế.
Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) nhận định, suy dinh dưỡng là một bệnh nan giải với Việt Nam hiện nay. Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, cấp tính có khả năng đề kháng thấp, có nguy cơ nguy hiểm cao hơn gấp 9 lần so với trẻ được nuôi dưỡng tốt. Bà Lan nhắc lại dịch sởi vừa qua là một ví dụ điển hình về việc này. Bệnh sởi diễn biến nguy hiểm trên bệnh nhi bị suy dinh dưỡng và còn để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe của mỗi người khi trưởng thành. Đầu tư điều trị và phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ, theo đó, là một lợi ích lâu dài đối với chính Quỹ bảo hiểm trong tương lai.
Chỉ ra bất cập khi nhóm trẻ dưới 6 tuổi hiện nay đã được bảo hiểm y tế hoàn toàn, chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, kể cả việc sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn nhưng lại chưa quy định việc thanh toán khám, tư vấn dinh dưỡng, bà Lan đề nghị cần đưa vấn đề này thành nội dung ưu tiên trong luật Bảo hiểm y tế để giảm tỷ lệ thấp còi ở trẻ em hiện nay.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Mong Quốc hội quan tâm hơn đến lớp hậu duệ" (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) dẫn chứng bằng con số, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc đưa ra con số Việt Nam hiện có 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng, chiếm gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có trên 220 ngàn trẻ em suy dinh dưỡng nặng phải đối diện với nguy cơ tử vong.
Là một nước có thu nhập ở mức trung bình, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao như vậy, theo ông Sinh, khó chấp nhận được. Vấn đề này còn liên quan mục tiêu nâng cao tầm vóc của người Việt Nam trong tương lai. Luật bảo hiểm y tế lần này lại chưa quan tâm, đề cập đến vấn đề phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em như một biện pháp đối phó với loại bệnh đe dọa sự phát triển thế hệ tương lai của nước nhà. Ông Sinh yêu cầu bổ sung quy định bảo hiểm y tế chi trả cho công tác khám, tư vấn điều trị cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) tính toán, phần quỹ bảo hiểm dành cho việc khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện kết dư tới 1.243 tỷ đồng (chỉ tính đến năm 2011). Số tiền này hoàn toàn có thể đáp ứng chi trả cho khám, tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ trong những năm tới (đã tính cả yếu tố tăng dân số và lạm phát).
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) mổ xẻ câu chuyện thời sự, đội tuyển bóng đá, bóng chuyền nữ Việt Nam vừa thua trước các đối thủ Thái Lan trước những cơ hội lịch sử là do vấn đề thể lực. Thể trạng, chiều cao của người Việt thực sự báo động khi nam giới Việt Nam hiện mới đạt chiều cao trung bình 1m63, so với Hàn Quốc là 1m73, Trung Quốc là 1m72, Singapo, Thái Lan, Malaysia đều đạt trên 1m7.
Điều này tương xứng với con số thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 13 trên thế giới về gánh nặng suy dinh dưỡng trong cộng đồng. Có 2,5 triệu trong số 7 triệu trẻ em hiện bị suy dinh dưỡng mãn tính. Trẻ bị suy dinh dưỡng không chỉ có ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa mà ngay ở các đô thị lớn phát triển như Hà Nội, TPHCM cũng không ít. Ông Quốc khái quát, như vậy, "30% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng".
Cũng liên hệ với dịch sởi cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ vừa qua, ông Quốc dẫn nhận định, hậu quả tử vong có sự góp phần của thể trạng suy dinh dưỡng làm hạn chế khả năng đề kháng của nhiều cháu bé. Vậy mà, chính sách bảo hiểm y tế lại không quan tâm đến việc chữa trị căn bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là điều khó hiểu, không hoàn thiện, thiếu thuyết phục.
"Nếu như chúng ta không quan tâm đến đòi hỏi tối thiểu chính đáng và hợp lý này trong cơ hội sửa đổi Luật bảo hiểm y tế lần này thì chúng ta đừng bao giờ mơ đến mục tiêu sánh vai cùng các nước trong khu vực chứ đừng nói đến cao vọng của một dân tộc sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Kính mong Quốc hội quan tâm hơn đến lớp hậu duệ của chúng ta - tương lai của đất nước", ông Quốc kết lại.
Nguồn : http://24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét