Đại biểu Lê Như Tiến nhận xét, án tham nhũng mới dừng ở người đứng đầu các tập đoàn, được ví như 'mèo nhỏ'. Trong khi đó, họ không thể tự mình gây thất thoát nhiều triệu USD nếu không có đồng phạm là cán bộ nhà nước.
Tại buổi thảo luận về phòng chống tội phạm sáng 7/11, đại biểu Lê Như Tiến nhận xét, cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đồng bộ từ trung ương đến địa phương có "chiến thuật đầy đủ", "bày binh bố trận" song tham nhũng chưa được phát hiện bao nhiêu. Tại kỳ họp này, tòa án tối cao cho biết tiến độ xét xử một số vụ án tham nhũng song chỉ dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn trong khi họ không thể tự mình gây thất thoát nhiều triệu USD nếu không có buông lỏng quản lý, đồng phạm của một số cán bộ nhà nước.
"Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó, ngân khố quốc gia ngày ngày bị đục khoét, mà những người này đứng ngoài cuộc, vô can", ông Tiến bức xúc và yêu cầu cơ quan phòng chống tham nhũng tập trung vào chiến dịch "bắt hổ", bởi các siêu dự án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm tỷ đồng hơn là những vụ án chỉ "bắt mèo nhỏ".
Ông Tiến cũng nêu thực trạng kê khai tài sản chỉ là hình thức bởi báo cáo kê khai đó không được công khai tại nơi thường trú, nơi công tác. Có tình trạng cán bộ cấp phòng sau một năm tài sản tăng lên hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đứng tên biệt thự, ôtô đắt tiền mà không bị phát hiện. Ông cũng thông tin, dư luận xã hội cho rằng công tác phòng chống tham nhũng chỉ dừng lại ở việc bắt sâu nhỏ chứ chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ. Đó mới là nguyên nhân làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội.
Đại biểu này kiến nghị thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, được giao "Thượng phương bảo kiếm" để điều tra, nhất là tội phạm trong lực lượng phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị đánh giá trung thực nguyên nhân chủ quan, khách quan của nạn tham nhũng hiện nay, bởi số vụ tham nhũng phát hiện xử lý chưa xứng với số thực tế và số tiền phát hiện lớn song thu hồi chỉ được 10-20%. Nhiều vụ bị kéo dài, xử lọt tội phạm hoặc phạt mức thấp nhất.
Bà Khá cũng cho rằng tình hình tham nhũng trong ngành tư pháp diễn ra phức tạp, chiếm 10% trong số vụ tham nhũng trên toàn quốc, nên có thể coi là cán bộ ngành này khi tìm thấy con bệnh không chịu điều trị mà cố tình kéo dài thời gian để vòi vĩnh làm cho bệnh nặng hơn.
"Tham nhũng chồng lên tham nhũng, phạm tội chồng lên tội phạm", đại biểu Khá nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến chỉ ra tham nhũng có nguyên nhân chủ quan từ một bộ phận cán bộ thoái hóa trong cơ quan nhà nước, cố tình bảo kê băng nhóm xã hội đen như khai thác thài nguyên, vận chuyển hành khách, bến bãi, xả thải trái phép...
Ông Hiến cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái khó khăn có một phần do tham nhũng tràn lan, khi mà các công trình phải "chạy chọt" thì tham nhũng gây nợ xấu. Lãng phí, thất thoát còn từ đầu tư ngân sách khi một chiếc cầu 70m song làm tới 140m, một m2 nhà vệ sinh được nâng giá lên 7 lần, một đống sắt vụn được "khống" giá lên hàng trăm tỷ đồng. Ông đề nghị năm tới phải kiểm toán toàn bộ các tập đoàn nhà nước, các dự án giao thông, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm kết quả thanh tra của mình nếu cơ quan pháp luật phát hiện ra tham nhũng.
"Nếu không có tham nhũng, chúng ta sẽ không phải nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu, bởi phát hành trái phiếu là vay tiền để nuôi tham nhũng", ông Hiến nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, ví kẻ tham nhũng như con chuột vào mâm cỗ, phải hết sức khôn ngoan để bắt được chuột mà không làm vỡ mâm cỗ. Ông yêu cầu khoanh vùng những đối tượng có chức vụ mà nhiều người quan tâm vì có khả năng tham nhũng cao hơn.
Về đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế chức vụ và tham nhũng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang thừa nhận dù đã cố gắng nhưng kết quả điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình. "Các vụ án trọng điểm đến nay cơ bản đã kết thúc điều tra và chuyển cho Viện Kiểm sát truy tố trước pháp luật", ông Quang cho hay. Trong lĩnh vực này, Bộ sẽ tập trung giải quyết điểm yếu nhất là khâu phát hiện. Theo đó, các lực lượng chức năng của Bộ Công an sẽ tiếp nhận kịp thời, tập trung xác minh tin tố giác tội phạm tham nhũng từ các kênh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thuế… |
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét