Home » » Trung Quốc thay đổi chiến thuật trong tranh chấp biển đảo

Trung Quốc thay đổi chiến thuật trong tranh chấp biển đảo

Để tăng cường khả năng tranh giành, mở rộng quyền lợi trên biển, Trung Quốc đã nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng máy bay không người lái hiện đại nhất, thể hiện hướng đi mới của Bắc Kinh trong cuộc chiến nhiều căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông.
Hơn một năm nay, Trung Quốc bắt đầu tung máy bay không người lái tới vùng biển tranh chấp trong khu vực.
Chủ trương phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích gia tăng sức mạnh tranh giành chủ quyền ở Hoa Đông và biển Đông thông qua việc nâng cao năng lực tấn công và trinh sát.
Theo các quan chức quân sự Nhật Bản được nhật báo Yomiuri trích lời, chiếc máy bay không người lái Trung Quốc xâm nhập vùng trời gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi đầu tháng 9 - vụ xâm nhậm mới nhất của loại máy bay này - là máy bay trinh sát BZK-005 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển.
BZK-005 có thể bay cao 8.000 m, có khả năng bay liên tục 40 giờ và có những tính năng đối kháng với máy bay không người lái vũ trang Predator được Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Theo các tài liệu nghiên cứu ban đầu, mặc dù vào thời điểm này BZK-005 chưa được trang bị các vũ khí hiện đại như tên lửa không đối đất, mà chỉ có nhiệm vụ thu thập thông tin, giám sát, cảnh giới và trinh sát… nhưng cũng đang gây ra những quan ngại không nhỏ cho các nước láng giềng.
"Chính phủ Nhật Bản cần sớm đề ra các biện pháp đối phó với các máy bay không người lái của Trung Quốc, trong đó có máy bay trinh sát BZK-005", nhật báo Yomiuri dẫn lời kêu gọi của các quan chức quân sự.
Trước đó hồi tháng 6, Ủy ban phụ trách các vấn đề kinh tế - an ninh Mỹ - Trung, một cơ quan tư vấn cho Quốc hội Mỹ, cũng đã đưa ra báo cáo về chiến lược phát triển máy bay không người lái của Trung Quốc. Ủy ban này cho biết Trung Quốc đã đưa khoảng 10 máy bay loại này vào sử dụng trong các lĩnh vực quân sự và dân sự. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang cho nghiên cứu phát triển loại máy bay không người lái có kích thước lớn hơn, có các tính năng tương đương máy bay Global Hawk cho phép bay ở độ cao 18.000m liên tục trên 30 tiếng.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái được Trung Quốc thực hiện sau khi nước này đạt được những bước tiến lớn trong phát triển hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu. Nếu lực lượng máy bay trinh sát không người lái Trung Quốc được liên kết với hệ thống định vị Bắc Đẩu, dự kiến sẽ phủ sóng toàn cầu vào năm 2020, thì các tính năng và hiệu quả của chúng sẽ tăng lên rất nhiều lần.
Để phục vụ viễn cảnh trên, từ tháng 8/2012, Cục Hải dương Trung Quốc đã xây dựng 11 cơ sở ven biển phục vụ các hoạt động giám sát và quan trắc của các máy bay không người lái. Đây đều là những nhiệm vụ thuộc quyền quản lý của Đơn vị số 2 chuyên về thông tin, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đơn vị này cũng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo nhắm ứng phó với mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là nước thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Mỹ, có hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa dạn đạo toàn cầu. 
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Bắc Kinh còn hướng tới chiến lược xuất khẩu máy bay không người lái để thu ngoại tệ. Mặc dù ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực này hiện thuộc Mỹ và Israel, nhưng với lợi thế giá rẻ, lại không tham gia hiệp ước quản lý xuất khẩu vũ khí nên Trung Quốc vẫn có ưu thế xuất khẩu mạnh hơn sang Pakistan và các nước châu Phi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét