Ngày 6/9, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ chống cưỡng chế thu hồi đất xảy ra tại xã Kim Sơn, huyện Đông Triều cuối năm 2012 đối với 17 bị cáo là người dân xã Kim Sơn, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án.
Các bị cáo đã được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Theo đó, bị cáo Trần Thị Châu bị tuyên 30 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, bị cáo Nguyễn Văn Rỉu 24 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ; 15 bị cáo khác có 4 người được hưởng án treo, 11 người bị phạt 8-24 tháng tù về hai tội danh trên.
Chống cưỡng chế, chặn quốc lộ
Theo cáo trạng, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi hơn 41 ha đất nông nghiệp của người dân xã Kim Sơn để triển khai dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu đô thị Kim Sơn.
Ngày 5/12/2012, UBND huyện Đông Triều ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất với hơn 74 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá đền bù quá thấp. Sau đó, trong các ngày từ 18 đến 20/12/2012, bà Trần Thị Châu cùng một số người dân đã dựng 3 lều bạt, căng khẩu hiệu tại khu đất ruộng có quyết định cưỡng chế thu hồi giáp quốc lộ 18A tập trung giữ đất.
Sáng 21/12/2012, chính quyền, đoàn thể xã Kim Sơn cùng lực lượng công an huyện đến yêu cầu người dân tháo dỡ lều bạt, khẩu hiệu theo quyết định của UBND xã Kim Sơn nhưng người dân không đồng ý.
Trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đưa máy xúc của Cty bảo vệ Đông Hải 27/7 tới cưỡng chế tháo dỡ. Người dân đã gõ kẻng báo động, tập trung đông người chửi bới, ném đất đá, cát vào lực lượng cưỡng chế khiến chiếc máy xúc bị hỏng, 3 chiến sĩ công an huyện và một vệ sĩ thuộc Cty bảo vệ Đông Hải 27/7 bị thương nhẹ. Phía người dân cũng có một số bị thương. Người dân đã khiêng 2 chiếc quan tài đặt tại quốc lộ 18 gây cản trở, ùn tắc giao thông tuyến quốc lộ này nhiều giờ.
Chiều cùng ngày, khi cảnh sát 113, cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Ninh được điều tới giải tán đám đông đã bị rất đông người dân phản ứng ném gạch đá, khiến 11 cảnh sát cơ động bị thương nhẹ, 1 lá chắn và 3 mũ bảo hiểm bị hư hỏng, kính xe ô tô công an huyện bị vỡ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ một số người và giải tán đám đông, khai thông quốc lộ 18.
Trong số 17 bị cáo, có 10 người bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ theo điểm c, d khoản 2, điều 257 Bộ luật Hình sự và 7 người về tội gây rối trật tự công cộng theo điểm c, khoản 2 điều 245 Bộ luật Hình sự (cùng có khung hình phạt 2-7 năm tù).
Được giảm nhẹ do có bức xúc
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo do bức xúc trong việc bồi thường thu hồi đất không thỏa đáng nên đã có hành vi chống cưỡng chế nhằm giữ đất, đúng như cáo trạng truy tố. Đại diện VKS đề nghị xử phạt các bị cáo từ 6-30 tháng tù, trong đó 8 bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, bất chấp quy định pháp luật và quy tắc ứng xử. Hành vi của các bị cáo không chỉ ảnh hưởng tới người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương.
|
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, bất chấp quy định pháp luật và quy tắc ứng xử.
Hành vi của các bị cáo không chỉ ảnh hưởng tới người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương, gây bất bình trong dư luận xã hội, do đó cần xử phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên do các bị cáo đều là người nông dân bị thu hồi đất, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, khai báo thành khẩn, có nhân thân tốt nên cần được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Tòa phạt bị cáo Trần Thị Châu mức án cao nhất 30 tháng tù vì xác định bị cáo giữ vai trò cầm đầu gây rối trật tự công cộng, bị cáo Nguyễn Văn Rỉu bị phạt 24 tháng tù do có vai trò cầm đầu chống người thi hành công vụ. 15 bị cáo còn lại có 11 bị cáo bị phạt tù từ 8-24 tháng tù, 4 bị cáo bị phạt 6-15 tháng tù treo. Ngoài ra, 15 bị cáo còn phải liên đới bồi thường hơn 39 triệu đồng cho những thiệt hại đã gây ra.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét