"Nếu Thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhạy cảm hơn, thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, có lẽ sự việc được đẩy nhanh giải quyết và thể hiện tính tích cực hơn". Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết bên lề cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 13/8.
Những ngày gần đây, dư luận chấn động bởi thông tin sự việc "nhân bản", dùng một kết quả xét nghiệm máu cho nhiều người tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
Tuy nhiên, đơn tố cáo sai phạm của Bệnh viện Hoài Đức đã được chị Hoàng Thị Nguyệt gửi đến Thanh tra Sở Y tế Hà Nội từ ngày 20/5 nhưng đến đầu tháng 8/2013 báo chí đưa tin, sự việc mới được xem xét rốt ráo. Vấn đề đặt ra, nếu không có báo chí đưa tin, sai phạm nghiêm trọng này sẽ không được phanh phui?
Trao đổi với PV chiều 13/8, ông Phan Đăng Long (Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) cho biết, Thành ủy đánh giá đây là sai phạm hết sức nghiêm trọng. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có cuộc họp nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý vụ việc.
Ông Long cho biết, từ ngày 20/5 đơn tố cáo được gửi cho Thanh tra Sở Y tế. Đến ngày 27/5 Thanh tra Sở Y tế vào cuộc yêu cầu Ban Giám đốc bệnh viện Hoài Đức giải trình. 2 ngày sau, bệnh viện có giải trình về nội dung tố cáo.
Tuy nhiên, ngoài giải trình của bệnh viện, để có kết luận cần có chứng cứ cụ thể, cơ quan thanh tra tiếp tục xác minh làm rõ. Trên thực tế, những vụ việc khiếu nại trên địa bàn Thủ đô không ít nên cơ qua thanh tra thường phải phân loại hồ sơ, làm theo quy trình. Bên cạnh đó, theo quy định, Thanh tra được phép xử lý đơn trong thời hạn 6 tháng.
Có lẽ sau một thời gian, người tố cáo sợ không có kết quả nên đã thông tin trên báo chí. Sau khi có thông tin, Thành phố có chỉ đạo các cơ quan chức năng dành thời gian nhiều hơn cho vụ việc này.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
"Tôi tin rằng, nếu báo chí không vào cuộc, sự việc vẫn được phanh phui. Nhưng rất đáng tiếc, nếu Thanh tra Sở nhạy cảm hơn, thấy tính chất nghiêm trọng ưu tiên giải quyết, sự việc này sẽ được xử lý nhanh hơn. Bên cạnh đó, thể hiện tính tích cực hơn, không để dư luận cho rằng, Thanh tra Sở vào cuộc chậm, chỉ khi báo chí nêu mới giải quyết".
Theo vị Phó Ban tuyên giáo Thành Ủy, so với yêu cầu của vụ việc, ở mức độ nào đấy, Thanh tra sở Y tế chưa thể hiện được tính tích cực, nhạy cảm vấn đề.
Ông Phan Đăng Long cũng cho biết, Thành ủy giao trách nhiệm cho Sở Y tế và các ngành liên quan biểu dương khen thưởng kịp thời hành động dũng cảm, kiên trì của người tố cáo sai phạm.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, một trong những người đứng ra viết đơn tố cáo đang làm việc trong bệnh viện Hoài Đức nên chắc chắn có những bất lợi, thậm chí bị đe dọa.
"Tôi cũng tin rằng, chị Nguyệt và những người tố cáo gặp phải nhiều áp lực có thể từ chính gia đình và thế lực khác đằng sau. Do vậy, chính quyền địa phương và công an Thành phố cần có biện pháp bảo vệ sự an toàn của chị Nguyệt", ông Long nói.
UBND TP Hà Nội đã có công văn số 5769/ về thực hiện kết luận chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Theo đó, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an Hà Nội, Huyện ủy Hoài Đức và các đơn vị liên quan xem xét, đề xuất biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể đã có thành tích, dũng cảm đấu tranh, tố cáo các hành vi sai trái, tiêu cực, báo cáo Thành ủy, Ủy ban Thành phố trước ngày 15/8.
Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra, đảm bảo công minh, khách quan, sớm có kết quả điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp với Sở Y tế và địa phương có biện pháp bảo vệ những người tố cáo không bị trù dập, trả thù.
Sở Y tế khẩn trương khắc phục những sai phạm xảy ra tại BV đa khoa Hoài Đức, chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các phòng, ban thuộc Sở và các cơ quan liên quan kết luận toàn diện và đề xuất các hình thức xử lý lỷ luật. Phối hợp với Sở Nội vụ chuẩn bị phương án thay thế, kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý tại BV đa khoa Hoài Đức.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét