Home » » “Hiệp sỹ” cứu người sẽ được công nhận liệt sỹ

“Hiệp sỹ” cứu người sẽ được công nhận liệt sỹ

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng liên quan thì "hiệp sỹ" Trần Hữu Hiệp (Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa) đang được yêu cầu xác minh, làm hồ sơ công nhận liệt sỹ. Còn trường hợp em Nguyễn Văn Nam (Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An) thì UBND huyện Đô Lương đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ.
Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Dũng cảm

Chiều 11/8, tại gia đình anh Trần Hữu Hiệp (Thạch Long, Thạch Thành, Thanh Hóa), được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã truy tặng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước cho anh Trần Hữu Hiệp. Tham dự lễ trao tặng còn có ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp GTVT cho anh Trần Hữu Hiệp.

Cùng đó, sau khi Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH có văn bản gửi tỉnh Tiền Giang yêu cầu chỉ đạo Sở LĐ, TB&XH tỉnh này xác minh thông tin anh Trần Hữu Hiệp dũng cảm cứu người trong vụ chìm tàu sáng 2/8, đã có nhiều ý kiến muốn làm rõ hơn về các trường hợp đủ điều kiện công nhận liệt sỹ. Theo đó, trong nội dung công văn số 2922/LĐTBXH-NCC, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng nếu thông tin anh Trần Hữu Hiệp cứu người rồi tiếp tục nhường áo phao cho phụ nữ đang mang thai là chính xác thì các cơ quan liên quan lập hồ sơ xác nhận liệt sỹ đối với anh Trần Hữu Hiệp theo quy định hiện hành…

Ngày 9/8, PV Báo GĐ&XH đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ, TB&XH). Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công khẳng định, nếu đúng "hiệp sỹ" Trần Hữu Hiệp đã dũng cảm cứu người, nhường áo phao cứu tiếp phụ nữ mang thai sau đó tử vong tại vùng biển Cần Giờ, TP HCM ngày 2/8 thì sẽ đương nhiên thuộc đối tượng được công nhận liệt sĩ. Theo điều 17 quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ trong Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4 thì trường hợp của anh Hiệp nằm trong diện quy định tại mục e, khoản 1 là người: "Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân".
Anh Hiệp (ảnh trái) và em Nam đang được xác minh, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ sau hành động dũng cảm cứu người. Ảnh:TL
Đang làm hồ sơ liệt sỹ cho em Nam

Cũng trong vụ việc tương tự, tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An vào ngày 30/4/2013, em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã cứu 5 em nhỏ thoát chết sau đó Nam đã tử vong. Chiều 11/8, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, huyện này đang tiến hành làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ cho em Nam. "Sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nghệ An thì Phòng LĐ,TB&XH huyện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ cho em Nam trong thời gian sớm nhất", ông Thành nói.
Trong khi các bên liên quan đã có động thái cụ thể để ghi công những người trẻ tuổi anh dũng hy sinh thì độc giả cũng đang rất quan tâm tới chính sách, đối tượng, thủ tục, cũng như những chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với thân nhân liệt sỹ trong thời bình.
Theo quy định của Chính phủ, ngoài trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản Nhà nước và nhân dân nêu trên thì còn nhiều trường hợp khác cũng nằm trong diện đủ điều kiện xác nhận là liệt sỹ như sau: Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị; Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao; Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai… Thân nhân của liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng một lần mức chuẩn.
"Trách nhiệm lập hồ sơ, cấp giấy báo tử và xác nhận liệt sĩ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ; Người hy sinh thuộc cơ quan Trung ương do Bộ trưởng hoặc cấp tương đương; Người hy sinh thuộc cơ quan cấp tỉnh quản lý do Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Người hy sinh thuộc cơ quan cấp huyện hoặc cấp xã và các trường hợp đóng trên địa bàn không thuộc các đơn vị nêu trên thì do Chủ tịch UBND cấp huyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ LĐ, TB&XH thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng "Tổ quốc ghi công".
(Điều 18, Nghị định 31/2013)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét