Bão tố ập đến, nhấn chìm hai chiếc tàu đánh cá với 16 thuyền viên, khiến 1 thuyền viên mất tích...
24 giờ lênh đênh trên biển chịu cảnh mưa dập gió vùi, đói, rét hành hạ, 15 ngư phủ bằng kinh nghiệm sông nước dày dạn và cả sự may mắn diệu kỳ đã thoát lưỡi hái thủy thần. Khi được vớt lên, nhiều người đã kiệt sức, thân thể bầm dập đầy thương tích.
Hai thuyền viên trên tàu NA 93391-TS thoát nạn, trở về. Ảnh: Quang Long.
Kỳ 1: Phải sống
Lạch Quèn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) 17h chiều ngày 5/8, tàu đánh cá mang số hiệu NA 93391-TS nhổ neo, hướng phía đảo Mắt thẳng tiến. Ngư trường truyền thống này là nơi quần tụ nhiều tàu thuyền của ngư dân vùng bãi ngang Nghệ An, Hà Tĩnh.
Gặp nạn
Mỗi chuyến ra khơi dăm ba ngày, mỗi tàu đánh bắt được lượng hải sản trị giá hàng trăm triệu đồng; nhưng có chuyến trở về trắng tay. "Hai chuyến đi trước, chạy ngang chạy dọc trên biển cả tuần lễ tốn bao nhiêu là dầu nhưng cá, mực đánh bắt được chẳng đáng bao nhiêu, chỉ đủ tiền chi phí nhiên liệu, tiền ăn!", một thuyền viên tàu NA 9391-TS kể. Hoàng hôn dần buông, ngư phủ mong sẽ gặp được luồng cá lớn, mẻ mực to. Họ háo hức chờ đợi.
Cần mẫn thả lưới, buông câu, thuyền trưởng Bùi Nam và 8 thuyền viên câu được chừng dăm chục kg mực và một số cá. Lượng hải sản tương đối khá, đủ để kích thích tinh thần lao động của anh em thuyền viên! Nhưng niềm vui vừa nhen lên chợt tắt ngấm. Bão số 6 đang áp sát bờ biển miền Trung. Từ biển đông, bão hướng vào đất liền, quét dần lên phía bắc. Nắng tắt. Mây đen sầm sập kéo đến và cường độ gió tăng dần. Thuyền trưởng Bùi Nam lệnh nhổ neo, nổ máy chạy vào Vũng Áng (Hà Tĩnh) tránh bão. Tàu có 4 máy, gồm một máy đẩy, 2 máy phát điện và 1 máy tời. Trên đường chạy bão, chiếc máy đẩy bỗng trục trặc, không vận hành được. Tàu NA 93391-TS phải dừng lại nửa chừng để sửa chữa máy, cách bờ khoảng 25 hải lý.
Thuyền viên Hoàng Tuấn Hùng và mẹ
Loay hoay gần nửa buổi, máy đẩy không chịu nổ. Gió nổi lên mỗi lúc một mạnh. Thuyền trưởng và các thuyền viên lo lắng nhìn nhau. Họ gọi bộ đàm liên lạc với tàu bạn ứng cứu, không có tín hiệu trả lời. Biển mênh mông, hầu hết các tàu thuyền đánh cá trên vùng biển Nghệ An- Hà Tĩnh đã vào đất liền. Cách đó không xa, lấp ló một chiếc tàu đang trôi giạt. Hẳn chiếc tàu này cũng chịu chung thân phận như NA 93391-TS: chết máy trên đường vào tránh bão. Máy đẩy vẫn nằm im, bất động. Thuyền viên bất lực nhìn nhau, hoang mang tột đỉnh.
"Đến lúc chúng tôi sửa được máy thì đã sóng to, gió lớn, thuyền trưởng không dám cho tàu chạy vì sợ nếu nhổ neo, tàu sẽ lật!", Vũ Văn Bài (SN 1984, trú tại thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long) nói. Mưa như trút, gió vần vũ đẩy lên những đợt sóng cao chất ngất khiến tàu nghiêng ngả, nước mưa, nước biển tràn vào khoang. Anh em thuyền viên vừa nổ máy hút nước, vừa thay nhau xuống hầm tát nước ra ngoài. Từ 14h đến 17h chiều ngày 7/8, suốt 4h đồng hồ, thuyền trưởng và 8 thuyền viên tàu NA 93391-TS vật lộn với bão tố, giữa trùng trùng lớp lớp sóng biển bủa vây và mưa gió vần vũ. Khi tất cả đã mỏi mệt, rã rời, cũng là lúc cuồng phong đến cao trào. Trận gió xoáy cực mạnh càn qua, mang theo đợt sóng kinh hoàng khiến chiếc tàu bé nhỏ chao đảo, nghiêng hẳn sang một bên và những đợt sóng hung dữ xô tới, nhấn chìm con tàu cùng với thuyền trưởng và 8 thuyền viên.
Cuộc chiến với thủy thần
Nước xối xả tràn vào hầm máy, bịt kín lối lên xuống. Thuyền viên Hoàng Tuấn Hùng (16 tuổi), Bùi Văn Khang (37 tuổi) lóp ngóp bò ra. Hùng trong lúc mò mẫm tìm đường thoát thân, đầu va vào chiếc cột, khiến em choáng váng. Hai thuyền viên ngoi lên mặt nước và bàng hoàng trước thực tế: Chiếc tàu đang chìm dần, mảnh ván, đồ đạc trôi tứ tung. Trong tiếng sóng gầm gào, thoáng tiếng các ngư phủ gọi nhau. Trên tàu trang bị đủ 9 chiếc áo phao nhưng anh em thuyền viên chẳng ai kịp mặc, họ không ngờ tai họa ập đến nhanh như thế, hơn nữa chẳng ai chịu mặc áo phao theo quan niệm đi biển của dân Quỳnh Long thì "mặc áo phao vào là điềm báo tàu sẽ chìm". Giờ đây, những chiếc áo phao cứu sinh đã "cuốn theo chiều gió". Họ phải bơi đi nhặt từng mảnh ván, kiếm từng phích nước, can nhựa, bất cứ vật dụng nào có thể nổi lên được là vớ lấy.
Vết thương còn hằn trên ngực
"Nếu lúc đó bị sóng đánh văng ra, anh em không bám được vào nhau, tôi nghĩ sẽ chết hết. Do đó, mọi người cần tập hợp lại, kết thành chiếc bè nổi, nương tựa vào nhau để đối phó với biển động, sóng dữ"!, thuyền viên Vũ Văn Bài nói. Bằng kinh nghiệm sông nước của mình, chẳng ai bảo ai, 9 ngư dân bị nạn sau khi tìm được cho mình mỗi người một tấm ván, đã bơi đi tìm nhau, nắm tay nhau thành một vòng tròn. Người khỏe hỗ trợ người yếu, người bơi giỏi giữ chặt lấy người bơi kém hơn. Sóng gió điên cuồng chia cắt từng người. Sau mỗi lần như vậy, các ngư phủ lại gắng sức tìm nhau. Khi đã bơi lại cạnh nhau, họ lại cố nối những vòng siết chặt.
"Bão ập đến, chẳng thấy con về, vợ chồng tôi gọi điện đi hỏi từng chủ tàu, chạy ngược chạy xuôi dò hỏi tin tức con ở khắp nơi nhưng đáp lại là những cái lắc đầu. Tôi đã khóc cạn nước mắt, nghĩ là đã mất con rồi!".
Bà Bùi Thị Bạch, mẹ thuyền viên Hoàng Tuấn Hùng, tàu NA 93391-TS
|
"Có lẽ, đó là một trận lốc xoáy ở rìa tâm bão, nó diễn ra khoảng 30 phút nhưng rất khủng khiếp!", một thuyền viên kể. Sau phút giằng co, giành giật sự sống với bão tố, là những giờ phút đối diện với biển động, sóng cồn. Dòng hải lưu chảy ngược lại với đường đi của bão kéo họ ra xa bờ hơn. Trong đêm tối, 9 ngư phủ dầm mình trong nước biển lạnh buốt, trên đầu gió mưa xối xả. Sứa theo sóng biển trôi giạt đến, lạc vào giữa vòng tròn thuyền viên khiến ai nấy toàn thân đều tê dại vì nọc độc.
Nửa đêm, hai thuyền viên nhỏ tuổi nhất là Hoàng Tuấn Hùng (16 tuổi) và Bùi Hoàng Trường (15 tuổi) sau 7 giờ vật lộn với sóng biển, đuối sức.
Trường bắt đầu bị ảo giác, thều thào trong cơn mê sảng: "Con về nhà rồi, mẹ ơi!"; "Các chú thả cháu ra, cháu không đi nữa đâu!"; "Có tàu đến đón rồi kìa!". Những người lớn tuổi hơn lại bơi đến bên em, dỗ dành: "Sắp về nhà rồi, cháu đừng sợ!". Hoàng Tuấn Hùng ôm chặt lấy tấm ván, không còn đủ sức để nắm lấy bàn tay của anh Vũ Văn Bài nữa, cứ lả dần. Bài mấy lần phải lay Hùng dậy, sợ em úp mặt vục đầu xuống biển, chết ngạt lúc nào không hay. Trong cơn nguy khốn, quên cả mạng sống của mình, Vũ Văn Bài lo cho đứa em con nhà hàng xóm, anh vừa phải lấy tay đỡ đầu của Hùng, tay kia giữ tấm ván của mình kẻo bị chìm. Đề phòng kiệt sức hoặc ngủ thiếp đi vì quá mệt mà buông tay, sợ mất Hùng, anh lấy sợi dây buộc Hùng lại với mình. "Dù chết hay sống, anh em cũng phải ở bên nhau!", Vũ Văn Bài nói.
Chưa đầy một ngày sau khi bão số 6 tràn qua, mặt trời lại bừng lên. 9 ngư phủ vẫn bên nhau, tay trong tay, mọi người cố gắng động viên nhau vượt qua hiểm nghèo, nuôi hy vọng sẽ có tàu đến cứu. Nắng thiêu đốt, cơn đói ập đến kèm theo cơn khát rã rời. Không có nước uống, nhưng phải ăn để cầm hơi. Bèo, đọt rong dại trên biển, vớ được thứ gì có thể ăn họ đều cho vào miệng nhai lấy sức. Đói quá, và sợ không vận động quai hàm thì miệng sẽ cấm khẩu và sẽ bất động toàn thân, có thuyền viên bứt áo ra nhai rồi nuốt. Mảnh áo rách khi khốn nguy cũng là cứu cánh.
Thời gian khắc khoải trôi và có nỗi sợ thoáng qua trong suy nghĩ nhiều thuyền viên: Sẽ chết! Một buổi chiều chống chọi với bão, một đêm dài thăm thẳm trôi đi vô định trong cái lạnh cắt da; một ngày dài phơi mình dưới nắng chói chang, bị hành hạ bởi đói, khát, nhiều người trong số 9 thuyền nhân đã rã rời, kiệt sức. "Chúng ta sẽ chết mất! Chẳng có chiếc thuyền nào chạy qua đây!", ai đó thốt lên, thất vọng. "Chết răng mà chết được! Phải sống! Nhất định sẽ có thuyền đến cứu!", tiếng nói khác phản đối. Sống, để về đoàn tụ với gia đình, với vợ con. Người này còn mẹ già; người kia vợ vừa sinh con, người khác là con trai duy nhất trong gia đình. Cố sống! Họ đã động viên nhau lúc ấy như vậy. Những thành viên nhớ lại.
Mười mấy tiếng đồng hồ vật lộn cọ xát với những mảnh ván phao khiến phần bụng, vùng ngực các thuyền viên bị lóc ra từng mảng thịt. Thuyền viên Hoàng Tuấn Hùng bị đứt hai núm vú, máu chảy đầm đìa. Trên ngực, cổ, cẳng chân và hai cánh tay của các thuyền viên Hùng, Trường, Bài, Biên dày đặc vết thương. Nước biển mặn xát vào nhức buốt…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét